Hotline 1900-7158

Những tính cách cần rèn cho trẻ trước tuổi lên 5


Nuôi dưỡng, chăm sóc và tạo dựng tính cách cho trẻ trong những năm tháng đầu đời là điều hết sức quan trọng. Theo các chuyên gia, những giá trị sống dưới đây sẽ được bé tiếp thu rất nhanh nếu được dạy trước tuổi lên 5
1/ Trung thực
Cách tốt nhất để khuyến khích tính cách trung thực ở con là bản thân ba mẹ phải làm gương, thể hiện là một người trung thực.
Qua cách hành xử hằng ngày là bài học trực quan nhất đối với trẻ. Nếu các bậc phụ huynh thỉnh thoảng có những lời nói dối dù vô hại, nhưng có thể bé sẽ bắt chước. Đừng bao giờ nói những câu dạng như: “Đừng nói với bố là chúng ta ăn kẹo chiều nay nhé”. Mà hãy để trẻ nghe thấy những lời nói trung thực của bạn với những người khác.
Một cách khác để phát huy giá trị của sự trung thực: Đừng phản ứng thái quá nếu con bạn nói dối. Thay vào đó, hãy giúp con có thể nói thật, hoặc thú nhận lỗi lầm. Khi đứa trẻ thú nhận nó làm sai việc gì đó, hãy bình tĩnh và hành động một cách thích hợp. Hãy dạy trẻ một điều quan trọng: dù nói thật đôi khi không dễ chịu hay dễ làm, nhưng bé sẽ thấy tốt hơn nếu chịu nói sự thật.
Có thể phạt trẻ  theo đúng “luật” đã đề ra . Nhưng hãy trò chuyện nghiêm túc và nhẹ nhàng với con về lỗi lầm trẻ gây ra và quan trọng hơn, đừng quên cảm ơn vì trẻ trung thực.
Cách tốt nhất để khuyến khích sự thành thật nơi trẻ nhỏ đó là mẹ hãy tự trở thành tấm gương cho chúng.
2/ Ý chí quyết tâm
Quyết tâm là một tính cách mà bạn có thể khuyến khích trẻ từ lúc còn nhỏ. Cách dễ dàng nhất để làm vậy là tránh khen ngợi trẻ quá mức, mà hãy đưa cho trẻ những lời nhận xét trung thực, một cách nhẹ nhàng.
Ngoài ra, để trẻ phát huy tính cách quyết tâm, bố mẹ nên khuyến khích trẻ làm những việc khó, có tính thử thách hoặc hơi ngoài khả năng và khen ngợi khi trẻ dám làm. Nếu con bạn nhút nhát, hãy nhẹ nhàng khuyến khách con làm quen với bạn mới ở sân chơi, ngay cả khi điều đó có thể khiến bé lo lắng và sợ hãi. Nếu bé nhà bạn dễ nóng giận, hãy giúp bé kiềm chế cơn giận bằng cách đếm từ 1 đến 10. Sau đó, hãy khen ngợi và cho bé biết mình vừa hoàn thành một công việc khó khăn. Làm như vậy sẽ củng cố niềm tin cho bé và giúp bé tiếp tục chiến thắng.
3/ Chịu trách nhiệm
Khi còn nhỏ, trẻ được dạy xin lỗi khi làm sai hoặc khi làm ai đó đau. Đây là cách dạy trẻ có trách nhiệm về hành động của mình đối với những người xung quanh. Tuy nhiên, câu nói này không phải là tất cả, bởi với nhiều bé “xin lỗi” được thốt ra rất dễ dàng, nó giúp trẻ thoát tội mà không phải suy nghĩ.
Bạn có thể nâng bài học lên một bậc cao hơn, việc vêu cầu trẻ chủ động sửa sai sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ hơn nhiều. Chẳng hạn khi trẻ giành đồ chơi của bạn và lỡ làm bạn đau, phụ huynh tâm lý sẽ biết rằng mình không những phải chỉ ra xem bé sai ở đâu, bạn giữ thái độ bình tĩnh, nói về hành động của trẻ, yêu cầu trẻ giải thích vì sao bé cần phải xin lỗi và giúp trẻ đưa ra gợi ý trẻ có thể đền bù cho hành động xấu đó như thế nào.
Với cách đó, bạn không chỉ đang dạy trẻ có trách nhiệm với hành động của mình mà còn khuyến khích trẻ có trách nhiệm để sửa chữa những sai lầm. Đây là một tính cách quan trọng để giúp trẻ đạt được thành tựu trong tương lai.
4/ Biết yêu thương
Cha mẹ thường có xu hướng nghĩ rằng trẻ em luôn biết yêu thương và thể hiện tình yêu thương một cách tự nhiên. Điều đó là đúng, tuy nhiên để tình yêu thương được kéo dài, trẻ cần được đáp lại.
Hãy để trẻ nhìn thấy cách bạn thể hiện tình yêu thương với mọi người trong cuộc sống của bạn. Hãy ôm người bạn đời của mình khi có mặt bé ở đấy và nói với trẻ về tình yêu của bạn với cha mẹ, người thân của mình nhiều đến mức nào.
Việc ôm, hôn con sẽ làm cho trẻ cảm nhận được tình yêu mà bố mẹ dành cho mình
Và tất nhiên, đừng bỏ qua việc bày tỏ tình cảm của bạn với bé hằng ngày bằng cách nói “Bố/mẹ yêu con”. Việc ôm, hôn con sẽ làm cho trẻ cảm nhận được tình yêu mà bố mẹ dành cho mình. Chính từ nền tảng đó, trẻ sẽ sẵn sàng thể hiện tình cảm đáp trả lại một cách chân thành.
5/ Biết suy nghĩ
Một bà mẹ nọ rất thất vọng và mệt mỏi khi 2 cô con gái 3 tuổi và 4 tuổi hay cãi nhau chí chóe mỗi lần cô đưa chúng đi siêu thị. Cuối cùng cô phải yêu cầu các con nói ra xem: Làm thế nào để mỗi lần đi mua sắm cả 3 mẹ con đều cảm thấy thoải mái và không ai phải khó chịu?
Cô chị nói sẽ mang theo bánh để không phải đòi mẹ mua nữa. Còn giải pháp của bé em là hát thầm để cảm thấy vui hơn. Thế là lần đi mua sắm sau diễn ra khá suôn sẽ vì hai cô bé đã giữ đúng lời hứa. Khi rời siêu thị, các bé con hỏi: “Mẹ có cảm thấy khó chịu nữa không?” và người mẹ nói rằng cô cảm thấy rất vui vẻ và mọi chuyện thật tốt đẹp khi không có những tranh cãi.
Câu chuyện trên là một cách giải quyết mà các bậc phụ huynh cần làm để giúp trẻ hiểu được giá trị của việc biết suy xét, cũng như học được cách quan tâm đến người khác. Qua thời gian, những cử chỉ quan tâm sẽ trở thành thói quen, bé sẽ biết cách nói gì và làm gì để giúp tâm trạng người khác tốt hơn. Đồng thời bé cũng nhận thức được khi đối tốt với ai đó thì sẽ được đối tốt lại, điều này khuyến khích bé có thêm những hành động quan tâm khác. Đây là một tính cách không thể thiếu để trẻ hòa đồng vào mọi môi trường sinh sống, học tập và làm việc.
Theo Marrybaby.vn
Gửi câu hỏi